Nhảy đến nội dung
Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh trong tuần (từ ngày 31/7 đến ngày 06/8/2023)

 

123

Ảnh minh họa

UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 7 năm 2023

Sáng 1/8/2023, UBND tỉnh tổ chức họp thường kỳ tháng 7/2023 để xem xét, cho ý kiến và quyết định theo thẩm quyền đối với 4 nội dung do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Xây dựng trình. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 9/5/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045. Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại toàn bộ dự thảo kế hoạch và bám sát 3 thành tố chính của vấn đề đặt ra là nông nghiệp, nông dân nông thôn. Cụ thể về lĩnh vực sản xuất phát triển nông nghiệp phải tập trung sâu vào nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Về vấn đề nông dân, cần làm rõ vai trò chủ thể của nông dân và xây dựng đội ngũ nông dân vừa là nguồn lao động chủ lực cho sản xuất nông nghiệp vừa là nguồn cung ứng lao động cho các ngành khác. Cùng đó, dự thảo phải nêu bật được các giải pháp bảo đảm an ninh an toàn cho khu vực nông thôn trong tình hình mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến của các ngành và rà soát lại toàn bộ các nội dung dự thảo kế hoạch để hoàn thiện văn bản trình UBND tỉnh ban hành trước ngày 15/8/2023.

Đối với nội dung dự thảo quyết định của UBND tỉnh ban hành danh mục giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất giống, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng lại dự thảo quyết định; giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực xem xét để ban hành quyết định trong tháng 8/2023.

Về dự thảo tờ trình của UBND tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2030, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến chưa xem xét xây dựng văn bản để trình HĐND tỉnh. Lý do là hiện trung ương đang xây dựng dự thảo đối với nội dung này và đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương.

Về nội dung dự thảo quyết định của UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp xây dựng, duy trình hệ thống thông tin, chia sẻ cung cấp thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản do Sở Xây dựng trình, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, UBND tỉnh thống nhất thông qua. Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến của các ngành như: hình thức và chế độ phối hợp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; quy chế chia sẻ thông tin liên quan đến thực hiện nghĩa vụ quy chế phối hợp cung cấp thông tin theo chức năng của mỗi ngành đơn vị và hoàn thiện dự thảo trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành trước ngày 6/8/2023.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 02/8/2023, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2023 dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. 

Phiên họp xem xét, cho ý kiến đối với 5 nội dung do 4 sở trình. Trong đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận đối với dự thảo Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 7 và 7 tháng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2023. Theo dự thảo báo cáo, trong tháng 7/2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 470 triệu USD, hoạt động du lịch tiếp tục phục hồi với tổng lượng khách du lịch ước đạt 321,57 nghìn lượt, thu ngân sách nhà nước ước trên 650 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng ước thu trên 4.400 tỷ đồng; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng…

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ, tình hình KT-XH của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực như sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, kinh ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, doanh thu từ du lịch đạt cao hơn so với năm trước, làm tốt công tác chuyển đổi số, an ninh quốc phòng được bảo đảm, thực hiện tốt công tác đối ngoại; tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, tiếp công dân… Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 8, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung cao độ, cố gắng hơn nữa thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, trong đó tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tiếp tục quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, góp phần giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, hoàn thiện báo cáo trình UBND tỉnh chậm nhất ngày 05/8/2023.

Đối với dự thảo Tờ trình của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát lại toàn bộ dự thảo, biên tập lại theo văn phong của Đảng, bảo đảm ngắn gọn, súc tích; bổ sung thêm 5 chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, ngoài ra có thể nghiên cứu thêm một số chỉ tiêu theo tình hình thực tế của tỉnh; về nội dung tổ chức thực hiện biên tập lại cho phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan, đơn vị. Cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo trước ngày 06/8/2023.

Phiên họp cũng dành thời gian thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình hành động số 74/CTr-TU, ngày 28/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết luận nội dung này, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, rà soát báo cáo bảo đảm ngắn gọn, súc tích, đánh giá rõ về các mục tiêu, chỉ tiêu, đưa ra các số liệu để làm rõ kết quả thực hiện các cơ chế chính sách, đồng thời đề cập đến nội dung thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, từ đó tạo tiền đề về hạ tầng cho phát triển du lịch; phần kiến nghị lưu ý nêu rõ những nội dung cụ thể. Cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, hoàn thiện báo cáo chậm nhất ngày 10/8/2023.

Trong chương trình, các đại biểu cũng xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế phân cấp, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến từ nguồn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh; dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, vận hành và quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì đối với các công trình xây dựng thuộc danh mục dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo thực hiện kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại các cửa khẩu

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 3701/VP-KT, ngày 31/7/2023) về thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói (CSĐG) xuất khẩu và tại các cửa khẩu.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ Bộ NN&PTNT yêu cầu tại Công văn số 4835/BNN-BVTV. Trong đó, thực hiện công tác kiểm tra và giám sát các vùng trồng và CSĐG đã được cấp mã số, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật từ Bộ NN&PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV của Trung Quốc tại các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh, yêu  cầu các CSĐG phải  thực  hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu, có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại các CSĐG.

Các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan KDTV tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu.

UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 1010 /UBND-KT, ngày 31/7/2023) thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác kiểm tra, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vi phạm trong hoạt động khoáng sản; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ có liên quan của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, các nội dung miễn giảm thuế (nếu có) phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật; tổ chức rà soát, đảm bảo các nội dung đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành; nội dung cấp phép hoạt động khoáng sản, xác nhận đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình; các quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá, khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng, giá khởi điểm, tiền đặt trước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản và toàn bộ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện Công văn số 744/UBND-KT ngày 30/6/2022, Công văn số 587/UBND-KT ngày 18/5/2023 của UBND tỉnh về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và chỉ đạo tại các văn bản khác có liên quan.

Chỉ đạo kết nối, tích hợp, khai thác tài liệu điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 3706/VP-TTPVHCC, ngày 31/7/2023) kết nối, tích hợp, khai thác tài liệu điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trên cơ sở sử dụng kết quả, hồ sơ thủ tục hành chính đã được số hóa thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bảo đảm hạ tầng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để tổ chức, cá nhân có thể khai thác các tài liệu đã tích hợp, cung cấp trên Kho quản lý dữ liệu điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia thông suốt, liên tục.

Chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ

UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 1009 /UBND-NC, ngày 31/7/2023) triển khai thực hiện Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công phụ trách, tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân trên địa bàn về nội dung của Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan: Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp văn bản cho phép sử dụng thẻ ABTC đối với doanh nhân theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Quyết định số 09/2023/QĐ-TTg.

Chỉ đạo thống nhất quy trình viếng nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, khu lưu niệm, tượng đài và chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 3713/VP-KGVX, ngày 31/7/2023) thống nhất quy trình viếng Nghĩa trang liệt sỹ, Đền thờ liệt sỹ, Khu lưu niệm, Tượng đài và chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để đảm bảo các chương trình viếng Nghĩa trang liệt sỹ, Đền thờ liệt sỹ, Khu lưu niệm, Tượng đài… và chương trình thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ được tổ chức thực hiện trang nghiêm, trang trọng, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh nhân dịp Kỷ niệm các ngày lễ, Tết và ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) hằng năm, giao Sở Lao động - Thương và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố quy trình tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sỹ, Đền thờ liệt sỹ, Khu lưu niệm, Tượng đài,… trong các dịp lễ, Tết và ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) đảm bảo thống nhất, đồng bộ về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh xây dựng và hướng dẫn các Huyện đoàn, Thành đoàn, các cơ sở đoàn trực thuộc quy trình tổ chức Chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tổ chức vào dịp Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hằng năm đảm bảo thống nhất, đồng bộ về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện tại tất cả các nghĩa trang trên phạm vi toàn tỉnh.

Quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch các trường hợp tiếp nhận vào làm công chức

UBND tỉnh Quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch các trường hợp tiếp nhận vào làm công chức (Quyết định số: 1186/QĐ-UBND ngày 31/7/2023). 

Hội đồng kiểm tra, sát hạch do đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Đường Ngọc Xuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tiếp nhận các trường hợp viên chức, cán bộ, công chức cấp xã vào làm công chức của cơ quan, đơn vị và lãnh đạo, trưởng phòng, phó trưởng phòng của: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ.

Hội đồng kiểm tra, sát hạch có nhiệm vụ kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả kiểm tra, sát hạch. Thành lập các bộ phận giúp việc theo quy định.

Chỉ đạo triển khai dự án Khu tái định cư xã Đông Quan và các dự án tái định cư trên địa bàn huyện Lộc Bình

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 3695/VP-KT, ngày 31/7/2023) triển khai dự án Khu tái định cư xã Đông Quan và các dự án tái định cư trên địa bàn huyện Lộc Bình.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lộc Bình và các cơ quan liên quan tiếp tục đề nghị Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP khẩn trương thực hiện các thủ tục ứng vốn để triển khai dự án Khu tái định cư xã Đông Quan, huyện Lộc Bình theo cơ chế tài chính thực hiện dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 24/4/2021 và Thông báo số 482/TB-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh. Trường hợp Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV-CTCP chưa thực hiện các cam kết đối với tỉnh để triển khai dự án khu tái định cư trước khi thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định của pháp luật, Tổng Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm về những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án của đơn vị (nếu có) mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu quỹ đất bố trí tái định cư.

UBND huyện Lộc Bình tiếp tục rà soát, tính toán nhu cầu đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn theo nhiệm vụ được Lãnh đạo UBND tỉnh giao tại Công văn số  2960/VP-KT ngày 23/6/2023.

Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh ban hành Quyết định (Quyết định số 1184/QĐ-UBND, ngày 31/7/2023) sửa đổi, bổ sung một số nội dung Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Mục II Phần thứ hai Đề án, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Mục III Phần thứ hai Đề án, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Mục III Phần thứ hai Đề án, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Mục IV Phần thứ hai Đề án.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các nội dung khác quy định tại Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn không thay đổi.

UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 1019/UBND-KGVX, ngày 01/8/2023) tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn tỉnh, quan tâm, hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, địa điểm giao dịch, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ, phối hợp với NHCSXH điều tra, rà soát, xác định, bổ sung và xác nhận đối tượng thụ hưởng TDCSXH kịp thời làm cơ sở để NHCSXH cho vay, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng TDCSXH trên địa bàn.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả TDCSXH. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với hoạt động TDCSXH, thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của NHCSXH, tiếp tục triển khai mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình TDCSXH. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững… với việc sử dụng nguồn vốn TDCSXH. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCSXH đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng CSXH.

Chỉ đạo việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 3740 /VP-NC, ngày 02/8/2023) về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành.

Các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý nhà nước, thực hiện rà soát quy định của các luật, pháp lệnh đang còn hiệu lực để phát hiện, xác định cụ thể những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành và đề xuất giải pháp xử lý; rà soát các quy định về thẩm quyền của các cấp, các quy định có nhiều thủ tục qua nhiều tầng nấc trung gian, hình thức, không thực chất trong xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân để đề xuất cụ thể các quy định cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm của địa phương, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong giải quyết công việc.

Chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh vừa có Công văn số 31/BCHPCTT-VP, ngày 02/8/2023 đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, chủ động khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp, đồng thời chỉ đạo kiểm tra, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.

Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 165/KH-UBND, ngày 02/8/2023 về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.

Mục đích nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp DVCTT, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến; nâng cao vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao để đạt được mục tiêu 50% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình, 60% DVCTT toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng DVCTT và tuyên truyền, hướng dẫn người thân sử dụng DVCTT.

Các nội dung, nhiệm vụ thực hiện: hoàn thành và nâng cao tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý hoàn toàn trực tuyến theo Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 04/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu năm 2023; triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT trên địa bàn tỉnh như hoàn thiện các văn bản quy định, rà soát nâng tối đa TTHC được cung cấp lên DVCTT, hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho cung cấp, sử dụng DVCTT.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao kèm theo Kế hoạch này và chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ xử lý hoàn toàn trực tuyến theo quyết định của UBND tỉnh giao, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT, dịch vụ thanh toán trực tuyến. Các doanh nghiệp viễn thông cung cấp, hỗ trợ dịch vụ chữ ký số từ xa cho người dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia nộp hồ sơ, giải quyết TTHC thông qua DVCTT trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 164/KH-UBND, ngày 02/8/2023).

Mục đích nhằm quán triệt, cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 93/NQ-CP, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo đó, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuế…; thực thi hiệu quả các FTA; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững; hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, an ninh quốc phòng, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để phục vụ có hiệu quả cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tích cực tham gia các sự kiện quốc tế, đặc biệt là các chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối doanh nghiệp.

Chỉ đạo triển khai dạy học các môn ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 3765/VP-KGVX, ngày 03/8/2023) về việc triển khai dạy học các môn ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện truyền thông rộng rãi trong Nhân dân và phổ biến đến các cơ sở giáo dục phổ thông về nội dung, chương trình, sách giáo khoa, các điều kiện bảo đảm thực hiện đối với các môn ngoại ngữ để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội nắm rõ về chủ trương, mục đích yêu cầu, các điều kiện triển khai thực hiện đối với các môn ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 3816/BGDĐT-GDTH ngày 31/7/2023. Theo đó, thực hiện khảo sát nhu cầu học các môn ngoại ngữ của học sinh và cha mẹ học sinh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án, kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để tổ chức thực hiện dạy học các môn ngoại ngữ trên địa bàn theo quy định.

Chỉ đạo tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 1030/UBND-KGVX, ngày 03/8/2023) tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong việc cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các DN viễn thông trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh. Các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ phát triển, tích hợp các thành phần của hạ tầng số trong các công trình xây dựng dân dụng, tạo điều kiện trong việc cấp phép xây dựng các công trình xây dựng thuộc hạ tầng số, tạo điều kiện cho các DN viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật dùng chung, đặc biệt dọc theo các tuyến đường giao thông trong tỉnh; tăng cường thông tin tuyên truyền để Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc phát triển hạ tầng số đối với đời sống xã hội.

UBND các huyện, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện các DN viễn thông triển khai các nhiệm vụ phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông trên địa bàn; quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng số, giải quyết và xử lý kịp thời các trường hợp phá hoại cơ sở hạ tầng viễn thông, hỗ trợ phát triển hạ tầng số thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, bố trí không gian, địa điểm để lắp đặt thiết bị, nhà trạm, công trình viễn thông…

Các DN viễn thông xây dựng và tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng tăng cường chia sẻ dùng chung giữa các DN viễn thông và giữa các ngành trên địa bàn tỉnh, tuân thủ các hướng dẫn, yêu cầu của địa phương trong hoạt động phát triển hạ tầng số.

Chỉ đạo việc triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo

Đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo (Công văn số 3770 /VP-KT, ngày 03/8/2023) về việc triển khai công tác bình ổn thị trường thóc gạo.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương về bình ổn thị trường thóc gạo, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.

Tại Công văn số 5102/BCT-TTTN ngày 03/8/2023, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung: chỉ đạo Sở Công thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Đồng ý bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở chia lô liền kề tại Tiểu khu tái định cư khối 9, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý bàn giao hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở chia lô liền kề tại Tiểu khu tái định cư khối 9, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tại Công văn số 1028/UBND-KT, ngày 03/8/2023.

Theo đó, đồng ý chủ trương bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở chia lô liền kề tại Tiểu khu tái định cư khối 9, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho các đơn vị quản lý theo đề xuất của Sở Xây dựng. Cụ thể: Hạng mục đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng bàn giao cho UBND thành phố Lạng Sơn quản lý. Hạng mục hệ thống thoát nước bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý. Hạng mục hệ thống cấp nước bàn giao cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn quản lý.

Đối với hạng mục đường dây cấp điện thì Công TNHH Hoàng Hà Lạng Sơn (chủ đầu tư) ký hợp đồng thuê đơn vị đủ điều kiện để quản lý, vận hành cung cấp điện cho các hộ dân trong khu vực dự án theo hướng dẫn của Công ty Điện lực Lạng Sơn cho đến khi có quy định việc chuyển giao các công trình điện sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước sang cho ngành điện quản lý được cấp có thẩm quyền ban hành.

Yêu cầu Công TNHH Hoàng Hà Lạng Sơn rà soát những khối lượng đã thi công đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, tổng hợp toàn bộ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định để bàn giao cho đơn vị quản lý, sử dụng.

Kế hoạch thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Kế hoạch số 166 /KH-UBND, ngày 04/8/2023).

Mục tiêu cụ thể: Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục đào tạo, các nhà trường kiện toàn, thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm”; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của đơn vị trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vấn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường; 100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; 100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 01 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; tối thiểu 90% nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; phấn đấu hàng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến người học.

Kế hoạch tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật, tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình và hoạt động giáo dục trong nhà trường, nâng cao năng lực của các thành viên trong nhà trường về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý người học nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật…

UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ

UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ (Công văn số 1037/UBND-KT, ngày 04/8/2023).

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, sỏi trên sông, suối để hạn chế xảy ra sạt lở; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ; kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở và triển khai, thực hiện Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 30/9/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, sạt lở, hướng dẫn địa phương và người dân kỹ năng ứng phó khi sạt lở.

Chỉ đạo ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành văn bản về việc ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (Công văn số 32/BCHPCTT-VP, ngày 06/8/2023).

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở (nếu có); chỉ đạo, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ, đập, nhất là các hồ xung yếu đang thi công. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản, lý vận hành các công trình thủy lợi, nhất là công trình hồ chứa Bản Lải; bố trí vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố; thường xuyên kiểm tra, trực ban, giám sát an toàn công trình, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ sảy ra sự cố; thông tin báo cáo kịp thời theo quy định; chủ động vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình bảo đảm điều tiết lũ cho vùng hạ du. Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ chủ động chỉ đạo công tác ứng phó do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn./.